Khi thiên thần nhỏ chào đời, mẹ luôn muốn dành những thứ tốt nhất cho con yêu nên thường vung tiền quá đà khi mua sắm. Ví dụ, khi mua đồ dự sinh, thấy món nào cũng dễ thương nên mỗi lần mẹ cứ lấy "lai rai" vài bộ, đến khi bé chào đời thì đã lên đến mấy chục cái trong khi bác sĩ chỉ khuyến cáo tối đa là 10 vì trẻ sơ sinh lớn rất nhanh và hầu như chỉ mặc bỉm nên cũng không cần nhiều quần. Trường hợp khác, mẹ ra đi dạo cửa hàng và bắt gặp chiếc giày xinh xắn thì mua ngay mà không nghĩ đến việc bé còn quá nhỏ để mang. Chính thói quen chi tiêu không kế hoạch này khiến không ít mẹ gặp khó khăn về tài chính khi chặng đường nuôi con phía trước còn trăm thứ phải lo. 
Ngược lại, các mẹ Nhật dù thương con nhưng không để cảm xúc chi phối. Trước khi đi mua sắm, các mẹ đều sẽ lên danh sách những thứ cần mua và số lượng cụ thể để tránh "lố tay". Sau khi mua đủ những thứ cần thiết thì dù có bắt gặp chương trình giảm giá mẹ cũng sẽ kiên quyết không chi thêm bởi lúc này nhìn thì có vẻ hời nhưng thực tế mua về bé không dùng hết lại thành ra phí tiền. Không chỉ vậy, khi phát hiện một sản phẩm nào đó rất hay ho, ví dụ như đi đường gặp một mẹ khác có đồ địu con rất xinh, mẹ Nhật cũng không vội mua mà sẽ phân tích kỹ lưỡng “Nhà mình đã có xe đẩy rồi, với ra ngoài cũng toàn đi ô tô, vậy mua thêm địu con thì sẽ thừa”. Chính nhờ thói quen chi tiêu cẩn thận như vậy nên hầu như không có mẹ Nhật nào gặp tình trạng vỡ kế hoạch tài chính sau sinh. Thậm chí, nhiều gia đình Nhật chỉ có người chồng đi làm nhưng vẫn đủ nuôi sống cả nhà.

Nhiều mẹ Việt có thói quen tiết kiệm nên khi đi mua sắm đều chăm chăm đến các món rẻ nhất mà không hỏi rõ về chức năng. Trong khi đó, mẹ Nhật lại luôn ưu tiên cho các sản phẩm có nhiều công dụng để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm diện tích. Ví dụ, giữa một chiếc máy vừa hâm sữa, vừa tiệc trùng bình sữa giá 3 triệu với một chiếc máy chỉ có chức năng hâm sữa giá 2 triệu thì mẹ Nhật sẽ khộng ngần ngại chọn cái đầu tiên. Máy 2 triệu thoạt nhìn rẻ hơn nhưng mua về mẹ phải tự nấu nước sôi, cọ rửa bình cho con 7 - 8 lần mỗi ngày thành ra rất phí thời gian. Trong khi đó, việc đầu tư thêm một máy tiệt trùng riêng thì lại tốn chỗ để mà chưa chắc với mức giá chỉ 1 triệu có thể tìm được sản phẩm chất lượng.

Không chỉ vậy, ngay cả khi mua những món đồ ít giá trị như quần áo cho bé mẹ Nhật cũng tính toán kỹ lưỡng. Ví dụ, vào mùa đông thay vì vừa mua đồ dài, vừa mua thêm tất cho con thì mẹ Nhật sẽ tìm những bộ jumpsuit có bọc cả chân để giữ ấm cho bé mà cũng tránh bị tuột khi con cựa quậy.

Việc mua đồ dùng cho bé ở những cửa hàng nhỏ có thể sẽ rẻ hơn một ít nhưng một người tiết kiệm như mẹ Nhật lại không thích làm điều đó chút nào. Đơn giản bởi tiết kiệm được số tiền nhỏ mà lỡ máy móc bị hỏng, không thể bảo hành thì càng mất số tiền lớn. Chưa kể, ngay cả các sản phẩm thường dùng như tã, bỉm, sữa… mẹ cũng chọn chỗ uy tín mà mua bởi lỡ dùng hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé thì càng tốn hơn.

Ngược lại, việc mua ở cửa hàng chính hãng, có thể giá sẽ cao hơn xíu nhưng đôi khi lại được tặng thêm quà và phụ kiện, tính ra lại hời hơn. Chưa kể, những chỗ này thường có chính sách bảo hành từ 1 - 2 năm nên dù máy có vấn đề mẹ cũng không cần tốn tiền mua mới. Như vậy, tính ra mau mắc mà lại rẻ.

Khi mới sinh hoặc vào dịp đầy tháng, thôi nôi, hẳn bé nào cũng nhận được rất nhiều quà. Trong đó phần lớn là quần áo, giày dép, hoặc đồ dùng hàng ngày như nôi, xe đẩy… Các món này vốn mẹ nào cũng sắm sẵn cho bé từ trước nên thành ra dư rất nhiều. Lúc này, các mẹ Nhật sẽ chọn cách thanh lý để có thêm một ít chi phí hoặc trao đổi với những mẹ bỉm khác để lấy về những món chưa có. Không chỉ vậy, cách này còn giúp mẹ tiết kiệm diện tích chứa đồ thay vì cứ giữ lại tất cả nhưng không dùng tới hoặc chỉ dùng 1 - 2 lần rồi để "chán chê" trong kho gây bụi bẩn, ẩm mốc.

Hy vọng với những gợi ý trên, các mẹ bỉm Việt sẽ biết cách chi tiêu hợp lý để chặng đường chăm con phía trước "dễ thở" hơn nhé. Ngoài ra, nếu mẹ Nhật giỏi về tiết kiệm thì các mẹ Âu lại được ngưỡng mộ bởi cách giao tiếp tinh tế với trẻ nhỏ. Mẹ có thể tìm hiểu thêm về
4 cách dạy con của công nương Kate Middleton để bé hiểu chuyện, tự lập từ sớm nhé.