Thuật ngữ tóc máu được các bác sĩ nhi khoa nhận định là lớp tóc đầu tiên của bé được hình thành từ trong bụng mẹ khi thai nhi được 24 tuần và cứ thế dài ra cho tới khi bé chào đời. Sau khi sinh, những sợi tóc này cũng sẽ rụng dần để “nhường chỗ” cho lớp tóc thực thụ phát triển. Vai trò chủ yếu của tóc máu chính là giữ ấm đầu và bảo vệ thóp non nớt của trẻ sơ sinh.
Theo các chuyên gia, tóc trẻ nhiều hay ít, chất tóc dày hay mảnh phụ thuộc vào di truyền chứ không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Do đó, hoàn toàn không có cơ sơ khoa học cho việc cắt tóc máu sớm sẽ giúp tóc bé mọc dày đẹp hơn.
Ngoài ra, lớp tóc đầu tiên của trẻ sơ sinh có cấu trúc hoàn toàn giống với tóc bình thường nên mẹ không cần lo lắng đây là tóc xấu, tóc dính bẩn trong quá trình bé chào đời nhé. Thậm chí, nếu mẹ cắt tóc máu của bé quá sớm còn khiến phần đầu bé dễ bị nhiễm lạnh và tổn thương bởi lúc mới sinh, vỏ não của bé còn mỏng yếu, xương đỉnh đầu chưa khép lại hoàn toàn nên rất dễ bị tác động bởi môi trường bên ngoài.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nếu tóc máu của bé dài quá nhanh, gây vướng víu thì mẹ có thể cắt bớt nhưng hãy nhớ là đợi bé ít nhất 5 tháng tuổi và không cắt tóc quá sát đầu nhé. Như vậy, các mẹ đã tìm được câu trả lời khoa học cho việc có nên cắt tóc máu cho trẻ rồi phải không? Hãy nhớ, chỉ cắt tóc khi bé đủ cứng cáp và lưu ý các điều sau để con yêu không bị thương, hoảng sợ trong quá trình cắt tóc nhé!
Lúc bé yêu còn “ẵm ngửa” thì việc bế ra salon cắt tóc không an toàn chút nào. Thế nên, chuyện tóc tai của con đều được tự xử tại nhà và 80% bố mẹ đều dùng kéo có sẵn của người lớn để cắt tóc cho trẻ nhỏ. Điều này không nên chút nào mẹ nhé vì da đầu của bé rất mỏng manh nên việc dùng kéo, dao cạo của người lớn rất dễ làm bị thương bé. Chưa kể, các dụng cụ này còn có thể tích tụ vi khuẩn, nấm mốc khiến bé bị kích ứng, ngứa ngáy, khó chịu.
Tốt nhất, bố mẹ nên đầu tư dụng cụ cắt tóc chuyên dụng cho trẻ nhỏ với kích thước và độ sắc bén đã được các nhà sản xuất tính toán kỹ để tránh làm đau con. Thêm vào đó, mẹ nên tìm kiếm sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng để đảm bảo chất liệu an toàn. Đặc biệt, đừng quên cất dụng cụ cắt tóc cẩn thận sau khi dùng để tránh bé yêu hiếu kỳ cầm lên chơi đùa thì vô cùng nguy hiểm nhé.
Trẻ nhỏ vốn hiếu động nên nhiều mẹ bỉm thường đợi lúc con ngủ mới lén cắt tóc để tiết kiệm công sức. Tuy nhiên, điều này lại không được lòng các chuyên gia tâm lý. Thứ nhất, nếu mẹ đang lia kéo mà bé trở mình, ngọ nguậy thì rất dễ bị thương. Thứ hai, nếu bé đột ngột thức dậy và phát hiện mẹ đang lén làm "điều mình ghét nhất” thì sẽ rất sợ hãi và mất đi niềm tin với bố mẹ. Thậm chí, sau đó bé sẽ trở nên cảnh giác, ám ảnh trong lúc ngủ thì bố mẹ càng phải tốn nhiều công sức để dỗ dành hơn.
Thế nên, mẹ hãy cố gắng thuyết phục bé về việc cắt tóc và đợi sự đồng ý của con rồi mới tiến hành nhé. Mẹ có thể dỗ dành bé bằng cách thủ thỉ “Những bạn nhỏ xung quanh đã rất dũng cảm cắt tóc, con cũng vậy phải không nào?” hoặc “treo thưởng” cho bé bằng những phần quà yêu thích như bánh kẹo, gấu bông, đồ chơi... nếu con chịu ngồi ngay ngắn cho mẹ cắt tóc.
Việc cắt tóc cho con yêu không hề dễ dàng chút nào nên mỗi lần mẹ đều cố gắng cắt ngắn nhất có thể để khỏi phải lập lại việc này thường xuyên. Đây là thói quen sai lầm mà rất nhiều mẹ bỉm không ngờ tới. Dù ở xứ nóng hay xứ lạnh thì tóc đều có chức năng giữ ấm và bảo vệ đầu bé. Do đó, nếu cắt quá ngắn thì không chỉ khiến bé dễ bị cảm, đau đầu mà còn hay bị côn trùng đốt, va chạm bị thương trong lúc chơi đùa.
Do đó, mẹ chỉ nên tỉa bớt tóc để không làm bé vướng víu trong sinh hoạt chứ không nên cắt ngắn hoàn toàn hoặc cạo sạch tóc bé nhé. Tốt nhất, mẹ nên giữ lại độ dài cho tóc bé khoảng 2 lóng tay để bảo vệ đầu. Đặc biệt, bé còn nhỏ mẹ không nên tạo kiểu khi cắt tóc nhé vì rất dễ làm tổn thương da đầu của bé.
Hẳn là mẹ nào cũng có thói quen gội đầu cho con yêu sau khi cắt tóc để bé khỏi ngứa ngáy phải không nào? Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý một số điểm sau để bé không bị ốm nhé. Thứ nhất, nếu bé đổ mồ hôi thì mẹ hãy đợi đến khi cơ thể con khô ráo hoàn toàn mới bắt đầu tắm gội vì lúc này lỗ chân lông của bé đang giãn ra, nếu tiếp xúc với nước sẽ bị cảm lạnh ngay. Thứ hai, trước khi gội đầu mẹ nên rửa mặt cho bé để não bộ kịp thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ. Thứ ba, dù trời nóng hay lạnh thì mẹ cũng nên gội đầu cho bé bằng nước ấm vì trẻ dưới 1 tuổi có phần xương sọ chưa hoàn thiện nên rất dễ bị sốc nhiệt nếu đột ngột bị dội nước lạnh lên đầu.
Mẹ có thể tìm hiểu thêm về những lưu ý khi tắm gội cho con yêu để bé luôn khỏe mà mẹ cũng không tốn quá nhiều công sức nhé.
Nguồn: Healthline